Như chúng ta đã biết, vào ngày 2/6 vừa qua, Bkav đã chính thức bán ra những chiếc Bphone đầu tiên qua 2 trang web của hãng là bkav.com.vn và vala.vn. Bỏ qua những câu chuyện về doanh số, có thể thấy, việc Bkav bán smartphone theo phương thức đặt hàng trực tuyến vẫn còn là điều khá mới mẻ với phần lớn người dùng Việt Nam.
Với thói quen “chọn mặt gửi vàng”, tìm hiểu cũng như trải nghiệm kỹ về sản phẩm trước khi mua, cách bán hàng mới của Bkav đã gây ra không ít bỡ ngỡ cho những ai muốn sở hữu Bphone. Trong đó, trang thương mại điện tử vala.vn hay trang web bkav.com.vn sẽ góp một phần không nhỏ cho sự thành công của Bphone hay Bkav trong tương lai.
Tuy nhiên, trên thực tế, với tuổi đời tương đối non trẻ, cả 2 trang bán lẻ này, cũng như các chính sách, dịch vụ đi kèm Bphone vẫn chưa nhận được sự đồng tình của người dùng. Còn ngày hôm nay, chúng ta hãy cùng nghe những nhận định của ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám Đốc điều hành khối Thương Mại Điện Tử Zamba - VCCorp về hệ thống bán hàng của Bphone.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám Đốc điều hành khối Thương Mại Điện Tử Zamba - VCCorp
- PV: Xin chào ông. Ông đã thử đặt hàng Bphone chưa? Ông có cảm nhận gì về hệ thống đặt hàng này?
Khi Bphone được mở bán online, tôi cũng đã vào và đặt thử, tuy nhiên website load khá chậm và mức giá cao hơn khi công bố do phải cộng thêm phí VAT 10% và phí COD nên tôi đã không đặt mua nữa. Hệ thống đặt hàng khi mới bắt đầu mở ra bị khá nhiều lỗi như bị cộng dồn phí ship cho 1 đơn hàng (mua số lượng 5 bị gấp 5 lần tiền ship), không chọn được tỉnh thành. Có vẻ hệ thống chưa được test kỹ lưỡng.
- PV: Nhiều ý kiến trong giới thương mại điện tử cho rằng phần đặt hàng và thanh toán Bphone trên 2 trang web vala.vn hay bkav.com.vn vẫn chưa thực sự hợp lí. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Phần đặt hàng và thanh toán không có hướng dẫn cho khách hàng có thể đăng nhập, xác nhận thông tin để kiểm tra đơn hàng khi cần. Ngoài ra, trên website có cộng thêm phí VAT 10% nhưng không có chỗ cho việc khai báo thông tin xuất hoá đơn (trong trường hợp là công ty mua các sản phẩm này). Phần hiển thị phí COD cũng hiển thị mặc định là 200.000đ mặc dù chưa chọn tỉnh thành cũng khiến cho khách hàng dễ nhầm tưởng là tỉnh thành nào cũng áp dụng phí đó. Nhẽ ra khi chọn tỉnh/thành thì mới hiển thị phí COD thì sẽ hợp lý hơn.
- PV: Thông thường, các hệ thống thương mại điện tử sẽ hạn chế số bước để người dùng mua 1 sản phẩm, tuy nhiên, với hệ thống của Bkav, người dùng cần tới 4 bước thực hiện. Theo ông, như vậy có quá rườm rà?
Số bước không quan trọng bằng việc đơn giản, minh bạch, dễ hiểu. Số bước có thể nhiều hơn 4 nhưng tại mỗi bước, website cần cung cấp cho người mua những lựa chọn, thông tin để họ hiểu họ thực sự phải làm gì tại bước này. Và việc này BKAV làm vẫn chưa tốt.
- PV: Là một người trực tiếp điều hành nhiều hệ thống thương mại điện tử lớn tại Việt Nam, ông đánh giá ra sao về giao diện cũng như trải nghiệm người dùng trên hệ thống thương mại điện tử của Bkav? Theo ông, đâu là yếu tố mà đơn vị này cần khắc phục ngay.
Về giao diện thì khá thoáng, dễ nhìn nhưng về trải nghiệm thì rất tệ. Khi người dùng vào website mua hàng, xem chi tiết sản phẩm và quan tâm xem nếu mua thì bao lâu tôi được nhận hàng, cần hỗ trợ thì gọi ai, chính sách bảo hành và đổi trả như thế nào - các thông tin này là yếu tố ảnh hưởng lớn đến Call-To-Action rất cao, nhưng tiếc là trên website của BKAV lại chưa thấy có.
- PV: Nhiều ý kiến cho rằng, mức giá 200.000đ/sp để vận chuyển Bphone trừ các khu vực tại HN hay Tp. HCM là quá đắt đỏ. Ông đánh giá ra sao?
Dẫu biết phí COD cho sản phẩm điện tử bị các đơn vị chuyển phát thu cao, nhưng cách Bkav tính phí vận chuyển cho Bphone 200.000đ là không hợp lý. Theo tôi sẽ là khôn ngoan hơn khi Bkav tính luôn vào giá bán. Nghĩa là giá bán ra đã bao gồm phí ship cho dù ship đến bất kỳ đâu trong nước, như thế vừa tạo được mức giá không đổi, vừa không khiến cho chỉ vì tiếc 200.000đ phí vận chuyển mà nhiều khách hàng không mua hàng nữa.
- PV: Theo ông, việc đổi trả Bphone với mức phí 500.000 đồng, dù sản phẩm không bị hư hại hay hỏng hóc là có nên hay không?
Thà không có chính sách đổi trả tự do mất 500.000đ còn hơn cho đổi rồi tính phí. Vì những ai đã đặt mua rồi rất hiếm khi họ đổi trả, trừ phi sản phẩm lỗi. Mà sản phẩm lỗi thì nghiễm nhiên nhà sản xuất phải nhận lại sản phẩm và đổi cho khách hàng sản phẩm khác.
- PV: Bkav luôn kêu gọi niềm tin nơi người dùng Việt, nhưng các chính sách mà hãng đưa ra lại đang bị cho rằng: dùng để đề phòng chính người tiêu dùng trong nước. Ông nhận định ra sao về vấn đề này?
Tôi tin ngày này sẽ chẳng ai bỏ ra hơn 10.000.000đ để mua một sản phẩm giá cao hơn, chất lượng kém hơn sản phẩm cùng phân khúc vì lòng yêu nước cả. Đó là chỉ là cái cớ để nói mà thôi.
- PV: Nhận định của ông về con số gần 12.000 máy được BKAV công bố trong ngày đầu tiên mở bán BPhone?
Con số họ tự công bố thì khó có thể kiểm chứng. Đó có thể là con số order trên site nhưng lượng đơn hàng ảo theo tôi cũng không nhỏ. Nếu BKAV bán được 5000 chiếc trong 1 ngày đã là quá thành công với 1 sản phẩm công nghệ mới đưa ra thị trường chưa có thương hiệu, chưa có sự kiểm chứng rồi.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét