Chỉ với việc quan sát những hành động nhỏ qua ngôn ngữ cơ thể, bạn cũng có thể biết được người ấy đang nghĩ gì.
Ngôn ngữ là một phần trong cuộc sống, qua ngôn ngữ ta có thể biểu đạt cảm xúc, ý muốn, suy nghĩ của mình. Một nghiên cứu của giáo sư, nhà tâm lý học Albert Mehrabian thuộc UCLA đã chỉ ra rằng, người đối diện tiếp nhận 55% những gì bạn truyền tải xuất phát từ ngôn ngữ cơ thể, 38% từ giai điệu của giọng nói và chỉ có 7% là từ những lời bạn nói.
Bạn có tin, tiềm ẩn trong sâu xa con người mỗi người chúng ta là khả năng "đọc suy nghĩ" của người khác? Cho dù ai đó đang cố nói dối bạn, chỉ bằng cử chỉ, ánh mắt thôi... bạn cũng hoàn toàn có thể nhận biết được điều đó.
Những dấu hiệu nhận biết được tổng hợp bởi Psychology Today dưới đây sẽ giúp bạn "đọc vị" người đối diện một cách dễ dàng.
1. Nhướn mày là dấu hiệu của sự khó chịu
Giáo sư Susan Krauss Whitbourne thuộc trường ĐH Massachusetts tiến hành quan sát thái độ của một nhóm tình nguyện viên khi đối diện với cùng một vấn đề.
Kết quả cho thấy, những khi lo lắng, sợ hãi hoặc tỏ vẻ ngạc nhiên trước một sự việc, hầu hết chúng ta đều nhướn lông mày.
Đó là bởi nhướn lông mày sẽ kích thích Adrenaline - một hormone do tuyến thượng thận tiết ra có tác dụng làm tăng lưu lượng máu truyền dẫn đến hệ thần kinh. Tuy nhiên, hành động này cũng là dấu hiệu thể hiện sự khó chịu, không bằng lòng.
2. "Mắt chạm mắt" - cảm giác thân thiện trào dâng
Theo nhà tâm lý Ronald E. Riggio thuộc trường Cao đẳng tâm lý Claremont McKenna, việc tạo dựng và duy trì giao tiếp bằng mắt có thể giúp bạn tạo cảm giác thân thiện hơn với mọi người xung quanh. Điều này cũng chứng tỏ rằng bạn đang tập trung vào cuộc nói chuyện đó.
3. ... nhưng nếu nhìn "không chớp mắt" - bạn là kẻ nói dối
Nếu người đó cứ nhìn vào đôi mắt của bạn quá lâu và không chớp mắt - họ có thể đang nói dối. Đó là bởi họ đang cố tập trung, suy nghĩ một câu chuyện để đối phó với câu hỏi của người đối diện và cũng là để che giấu hành động đảo mắt của mình.
4. Hàm nghiến chặt, lông mày nhíu lại thể hiện sự căng thẳng tột độ
Tất cả những hành động nghiến chặt hàm hay lông mày nhíu lại được cho là phản ứng của hệ thống limbic kết hợp với hệ thống khác trong não.
Não bộ con người có một hệ thống được gọi là limbic system ("hệ não rìa") - một khu vực đặc biệt quan trọng có chức năng kiểm soát xúc cảm, bản năng.
Hệ thống limbic này hoạt động sẽ ảnh hưởng đến cách thức chúng ta phản ứng với thế giới xung quanh, ví dụ như mừng rỡ khi nhận được quà, hoặc nhăn nhó nếu giẫm phải đinh…
Joe Navarro - cựu nhân viên FBI cho biết, khi tỏ ra căng thẳng, hormone cortisol con người sẽ gia tăng. Điều này khiến chúng ta có những hành động vô thức như co rụt cổ lại hay nhíu lông mày - một cách hiển thị suy nghĩ từ hàng triệu năm qua.
5. Lật tẩy nụ cười giả tạo - chân thành
Chúng ta đều biết, "một nụ cười bằng 10 thang thuốc bổ", nụ cười sẽ giúp bạn hạnh phúc hơn, giúp bạn đối phó với ngàn căng thẳng hay còn tốt cho sức khỏe nữa... Tuy nhiên, làm sao để phân biệt một nụ cười chân thành và nụ cười giả tạo?
Nghiên cứu của các chuyên gia Mỹ đã chỉ ra, nụ cười chân thành hay còn gọi là "nụ cười Duchenne" là sự co lại không chủ đích của hai cơ xương gò má (kéo mép miệng lên) và vòng mi mắt (nhấc cao má và tạo vết nhăn chân chim quanh mắt).
Còn với nụ cười giả tạo, bạn sẽ thấy chỉ phần cơ xương gò má hoạt động mà thôi, phần da quanh miệng và mắt gần như không cùng di chuyển.
6. Miệng nói, tay chân "khua khua" - dấu hiệu cuộc đối thoại đang tiến triển
Khi hai người chuyện trò, cả bạn và người ấy đều có những điệu bộ, cử chỉ tương tự nhau hay cùng sử dụng ngôi ngữ cơ thể để diễn đạt ý mình nói - đó là dấu hiệu chứng tỏ cuộc đối thoại giữa hai bạn đang tiến triển tốt đẹp.
Chuyên gia ngôn ngữ cơ thể Carol Kinsey Gormanc viết cho tạp chí Forbes rằng: "Cử chỉ tay khi nói giúp ích rất nhiều cho những suy nghĩ của bạn". Lý do là bởi khi bạn di chuyển bàn tay, các khu vực của não bộ sẽ hoạt động tích cực hơn và giúp bạn thể hiện suy nghĩ, lời nói của mình tốt hơn.
7. Khoanh tay trước ngực - sự tập trung được tăng lên 100%
Một nghiên cứu của Mỹ đã chỉ ra rằng, khi bạn khoanh tay lại, não bộ của bạn sẽ hoạt động tốt hơn. Lúc này, bạn sẽ dễ dàng tập trung để giải quyết mọi chuyện.
Tuy nhiên, nếu lúc nào bạn cũng khoanh tay trước ngực, điều này vô tình tạo cho người đối diện sự căng thẳng và áp lực tâm lý. Hậu quả tất yếu là câu chuyện sẽ trở nên khô khan và nhanh đến hồi kết hơn.
8. Dang rộng hai tay tạo thành chữ V, cằm nâng cao - "tôi là người chiến thắng"
Giáo sư Amy Cuddy thuộc ĐH Harvard cho biết, mỗi khi đạt được một mục tiêu hay giành được phần thưởng nào đó, lượng hormone testosterone trong cơ thể sẽ tăng cao đột biến.
Lượng hormone này sẽ giúp bạn gia tăng sự tự tin và cảm thấy thoải mái, vui vẻ tột cùng. Lúc này, bạn sẽ muốn chia sẻ với mọi người bằng cách dang rộng hai tay tạo thành chữ V, đồng thời phần cằm nâng cao hơn, ngửa mặt lên trời và hét lớn.
9. Bắt chéo chân - dấu hiệu của cuộc hội thoại đang "hấp hối"
Kết quả của 2.000 cuộc đối thoại được ghi hình bởi hai nhà nghiên cứu Gerard I. Nierenberg và Henry H. Calero đã chỉ ra, hành động bắt chéo chân được sử dụng khi một trong hai người không muốn tiếp tục câu chuyện.
Về mặt tâm lý, hành động này là dấu hiệu cho thấy, tinh thần và tình cảm của người ấy đã "đóng cửa". Điều đó có nghĩa là họ không muốn chia sẻ cũng như lắng nghe, bày tỏ quan điểm của mình trước vấn đề của bạn. Càng nói, bạn sẽ càng trở nên nhàm hơn mà thôi.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét