MacBook 12” không phải là chiếc máy tính mỏng nhất, cũng chẳng bao giờ là chiếc máy tính nhẹ nhất thế giới nhưng nó tổng hợp rất nhiều những yếu tố đó trong một thiết kế cực kỳ gọn gàng và gần như không có một chi tiết thừa nào, đó chính là điểm làm nên sự khác biệt. Bạn có thể thấy rất nhiều máy tính khác mỏng hơn, nhẹ hơn, nhưng nó lại lớn hoặc hoặc phải đánh đổi một cái gì đó, chẳng hạn như màn hình hoặc pin.
Cá nhân mình thích bản màu xám trước vì nó độc và có tổng thể đồng bộ hơn, mặt trước, sau và viền màn hình đều màu xám đen. Phiên bản màu bạc thì quá nhiều người xài, không khác biệt so với các máy cũ còn bản vàng mang tính thể hiện quá cao đối với mình.
Màn hình
Câu nhận xét đơn giản nhất về màn hình của MB 12” là nó có chất lượng hiển thị của Macbook Pro Retina trong một thân hình MacBook Air. Nói về góc nhìn, về màu sắc, về dải màu... thì MB12” đều đạt đến mức của MB Pro Retina và vượt hẳn so với MacBook Air trước kia, không chỉ về độ phân giải mà ở tất cả các đặc tính khác. Thậm chí khi ra ngoài trời nắng thì màn hình MB12" thậm chí còn ít chói hơn MBP Retina nhờ vào lớp chống chói mới. Tuy nhiên, câu chuyện thật sự không chỉ nằm ở đó mà nằm ở độ phân giải và diện tích hiển thị thực tế.
Chúng ta hãy nói về ưu điểm trước, MacBook 12” sử dụng màn hình có tỷ lệ 16:10 thay vì 16:9 như rất nhiều máy tính Windows hay MacBook Air 11”. Tỷ lệ 16:10 là tỷ lệ truyền thống mà Apple sử dụng, nó cân bằng tốt hơn giữa diện tích làm việc thực tế khi làm việc và diện tích hiển thị khi xem các nội dung đa phương tiện. Cùng một kích cỡ đường chéo (ví dụ 11”, 13”, 15”) thì máy sử dụng màn hình tỷ lệ 16:10 luôn có tổng diện tích hiển thị thực tế lớn hơn các máy 16:9, do vậy làm cho thiết kế tổng thể của máy cũng lớn hơn (xem hình dưới).
Nếu theo nguyên tắc này thì độ phân giải dùng để hiển thị của MacBook 12” sẽ là 1152x720, độ phân giải thấp nhất trong số tất cả các máy tính vào nhiều năm trở lại đây của Apple. Độ phân giải thấp tiếp theo trên MacBook 12” là MacBook Pro 13” với 1280x800. Độ phân giải hiển thị thấp sẽ làm cho chúng ta khó sử dụng chế độ hiển thị 2 cửa sổ song song nhau hơn. Cho mãi đến 2 năm gần đây thì Apple mới bắt đầu đưa ra chế độ hiển thị toàn màn hình giống Windows nhưng người dùng Mac truyền thống như mình thì đã quen với việc sử dụng 2 cửa sổ song song nên cảm thấy khá khó chịu với độ phân giải này. Nếu như Apple trang bị tấm nền 2560x1600 như MacBook Pro Retina 13” mặc định thì sẽ tốt hơn.
Bạn nào từng sử dụng các máy MacBook Pro Retina 15” sẽ thấy khi hiển thị ở độ phân giải tối ưu 1440x900, máy sẽ nhanh và mượt hơn rất rất nhiều so với độ phân giải tăng thêm 1680x1050, và 1680x1050 lại mượt hơn nhiều so với 1920x1200. Lý do ở đây là việc gom 4 điểm ảnh lại và đối xử với nó như một điểm ảnh duy nhất dễ dàng và nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với việc phải nhân điểm ảnh lên và scale để giảm nó xuống..
Về nguyên tắc, việc hiển thị trên Mac được tính theo điểm (point) chứ không phải tính theo điểm ảnh (pixel). Lấy ví dụ màn hình 1920x1080 pixel thì tấm nền màn hình sẽ có 1920 điểm ảnh chiều ngang x 1080 điểm ảnh chiều dọc, tổng cộng là khoảng 2 triệu điểm ảnh. Nếu nhà sản xuất áp điểm ảnh/point là 1:1 thì cứ mỗi điểm ảnh tương ứng với một point, nhưng nếu tỷ lệ là 2:1 thì mỗi point tương đương với 4 điểm ảnh (2x2). Như vậy, giả dụ một màn hình có độ phân giải 2880x1800 (pixel) muốn hiển thị ở độ phân giải hiển thị 1440x900 (vì màn hình 15” mà hiển thị ở độ phân giải 2880x1800 thì chữ quá nhỏ không thể thấy gì) thì Mac phải áp dụng hệ số 2:1, để tạo ra 1440x900 point, nó phải dựng hình ở độ phân giải 2880x1800 pixel và scale xuống 1440x900 point, và đây là độ phân giải tối ưu nhất về mặt hiển thị (nét nhất) và hiệu năng (máy tính dễ xử lý nhất do chỉ việc scale xuống, tạm gọi là gom 4 điểm ảnh làm một).
Thế nhưng nếu một ai đó không hài lòng với diện tích sử dụng của độ phân giải hiển thị 1440x900 (point), họ muốn tăng độ phân giải (point) lên nữa thì sao. Giả dụ muốn tăng độ phân giải lên 1920x1200 thì khi này, GPU phải xử lý ở độ phân giải 1920x2 chiều ngang và 1200x2 chiều dọc thành 3840x2400 (9.2 triệu điểm ảnh), sau đó scale ngược lại thành 2880x1800 (là độ phân giải theo pixel của tấm nền màn hình, sau đó hiển thị thành 1920x1200 (point) tốn rất nhiều năng lực xử lý so với 2880x1800 (chỉ 5 triệu điểm ảnh). Và đó chỉ là một phần của vấn đề: các đối tượng đồ họa trên Mac được xử lý độc lập với nhau, lấy ví dụ trong một cửa sổ duyệt web thì các thanh công cụ được xử lý theo tỷ lệ pixel/point là 2:1 nhưng hình ảnh lại được xử lý độc lập riêng với tỷ lệ 1:1. Suy nghĩ về việc đó và bạn sẽ thấy năng lực của chip đồ họa phải kinh khủng thế nào để gánh khối lượng công việc đó.
Quay trở lại MacBook, con số độ phân giải hiển thị (point) tối ưu nhất của nó là 1152x720, độ phân giải mặc định của Apple thiết lập là 1280x800 (point), tức chip đồ họa phải xử lý ở độ phân giải 1280x2 ngang và 800x2 dọc, thành 2560x1600 (4 triệu điểm ảnh), sau đó scale xuống 1280x800 point. Nếu để mặc định 1152x720 thì máy chỉ xử lý hơn 3 triệu điểm ảnh và 1440x900 (tối đa mà MacBook 12” hỗ trợ) thì là hơn 5 triệu điểm ảnh.
Như vậy, có thể nói nếu bạn chỉ xài một cửa sổ, quen với việc đó hoặc chuyển từ Windows sang thì màn hình MacBook 12” mới không phải là vấn đề, và chúng ta có thể chỉnh về độ phân giải 1152x720 để máy tiết kiệm pin nhất có thể và mạnh nhất có thể. Với nhưng ai quen dùng 2 cửa sổ, chuyển về độ phân giải 1440x900 là lựa chọn tốt hơn, dù chúng ta sẽ phải hy sinh hiệu năng. Tất nhiên là việc chuyển đổi độ phân giải chỉ tốn 3 cú nhấn chuột nhưng mình vẫn mong muốn dùng độ phân giải cao hơn để máy mượt mà hơn nửa ở thiết lập mặc định.
Hiệu năng
Hiệu năng của MacBook 12” tốt hay không là câu hỏi mà ai cũng hỏi rất nhiều, có đủ xài không. Thực tế, câu trả lời không đơn giản như vậy mà nó nặng về tính lựa chọn hơn: còn tùy nhu cầu của bạn là gì. Nếu là người dùng bình thường: duyệt web, mở bảng tính, chỉnh sửa ảnh Lightroom, chạy Photoshop với các layer trung bình, hiệu ứng nhẹ, thêm chữ… thì MacBook 12” chắc chắn đáp ứng nhu cầu của các bạn. Cá nhân mình xuất hơn 20 tấm ảnh RAW 16MP cùng một lúc, trong lúc đó vẫn duyệt web bằng Safari (mở sẵn 20 tab) nhưng máy vẫn chạy khá tốt, không bị chậm đi nhiều.
Tất nhiên, nếu bạn đòi hỏi cao hơn nữa thì không có chuyện đó đâu, MacBook 12” vẫn chưa sẵn sàng cho chúng ta sử dụng. Kể cả trong trường hợp sử dụng ở trên, mình vẫn hơi khó chịu khi phải chờ Lightroom xử lý mỗi khi thêm hiệu ứng hoặc thay đổi thiết lập nào đó của bức hình.
Có một điểm cần lưu ý: MacBook 12” mang lại hiệu năng tốt, thậm chí là rất tốt so với mong đợi khi bạn cần sử dụng nó trong thời gian ngắn. Ví dụ như khi bạn thêm một layer nặng vào Photoshop thì nó chạy đôi khi không thua kém nhiều so với MacBook Pro Retina 13”, thế nhưng nếu bạn cần chạy nặng trong thời gian dài như xuất phim thì hiệu năng sẽ tụt trở về bản chất thật của nó. Lý do ở đây là khi cần chạy nặng đột ngột thì TurboBoost sẽ được kích hoạt để hoàn tất công việc, nhưng nếu việc đó kéo dài quá thì vượt mức TDP mà Intel quy định, do đó hiệu năng tăng thêm sẽ phải dừng lại để giữ cho CPU ổn định.
Trên MacBook 12”, nếu để ý bạn sẽ thấy Apple đã tăng 100MHz so với tất cả các cấu hình mặc định mà Intel bán ra. Tức nếu như con chip Intel đưa ra là 1GHz thì Apple họ tăng thành 1.1Ghz hay 1.2 thành 1.3GHz... Thông qua động thái này, có thể thấy Apple muốn tối ưu hơn về tốc độ xử lý thay vì tập trung tất cả cho tiết kiệm năng lượng như họ vẫn làm từ trước tới giờ.
Bàn phím - trackpad
Bàn phím là thay đổi đáng chú ý trên MacBook 12”, và nhiều khả năng nó cũng sẽ được áp dụng lên các máy tính khác của Apple trong tương lai. Để nói về bàn phím của máy: “vấn đề của bàn phím này không nằm ở chính nó, mà nằm ở cảm giác của bạn”. Bàn phím MB12” là bàn phím chính xác nhất trong số tất cả các bàn phím máy tính nhỏ gọn mà mình sử dụng, nó thậm chí còn chính xác hơn cả bàn phím của MBP khi bạn đã quen.
1) Ngón ta của chúng ta đã quen với việc đẩy sâu phím để tạo cảm giác xác nhận đã bấm phím nên thay đổi thói quen là điều rất khó
2) Kích cỡ phím MB 12” hơi lớn so với kích cỡ của nó, hơi bẹt ra, có vẻ như là do cách thiết kế kiểu cánh bướm hơi bè ra.
3) Khi gõ ngắn vào dòng hoặc vài đoạn, thói quen vài chục năm nay rất khó bỏ qua và thỉnh thoảng gõ vẫn dễ sai. Thậm chí đôi khi không sai nhưng nó không mang lại sự tự tin khi đẩy phím sâu xuống, trừ khi bạn xài bàn phím này trong thời gian dài thì mới quen được.
4) Khi gõ đoạn dài, khoảng từ 3-4 đoạn trở lên thì tay của chúng ta dần quen trở lại với bàn phím và gõ rất chính xác, gần như không bị sai và khó chịu.
Bàn nào chỉ xài trackpad mà không xài chuột như mình (mình bỏ chuột được khoảng 5 năm nay) sẽ thấy thao tác kéo bằng 3 ngón tay trên trackpad của Mac là một trong những gesture tuyệt vời nhất. Lấy ví dụ, khi crop hình trong Lightroom thay vì phải lấy ngón tay đè xuống trackpad và kéo khung crop thì bạn chỉ việc chạm nhẹ 3 ngón tay lên bề mặt trackpad và di chuyển nó đi thôi, không cần bấm xuống, dễ chịu và mượt mà. Hay khi di chuyển file từ folder này sang folder khác chúng ta cũng chỉ cần kéo nhẹ, rất tuyệt vời. Rất đáng tiếc, trên MacBook 12” mình không còn thấy tùy chọn 3 ngón nữa, vẫn chưa hiểu lý do tại sao Apple lại loại bỏ nó đi. Mình thà không có ForceTouch còn hơn không có kéo bằng 3 ngón, nhất là khi Mac OS hỗ trợ kéo thả rất tuyệt vời.
Cập nhật: theo anh @Sonltt thì các bạn có thể kích hoạt 3 ngón trong phần Acessibility. Cảm ơn anh và xin lỗi các bạn vì sự thiếu sót này.
Pin và nhiệt độ:
Pin là điểm mạnh của MB 12”, Apple đã chồng nhiều lớp pin mỏng lên nhau để tận dụng không gian tốt hơn, mang lại dung lượng cao hơn. Công bố của hãng cho thấy máy xem phim được 10 tiếng và duyệt web được 9 tiếng. Thử nghiệm cho thấy nếu dùng ở cường độ cao, hơn 20 tab Safari mở cùng lúc, thỉnh thoảng xem video YouTube, Bluetooth bật, WiFi kết nối liên tục để push mail, chat bằng Skype và Slack thì thời gian mình sử dụng máy được hơn 6 tiếng ở độ sáng trung bình khá, rất ấn tượng với chiếc máy nhỏ gọn như vậy. Trong trường hợp bạn chạy ở mức tối đa, tức chạy các công cụ benchmark liên tục thì pin sẽ rơi vào tầm hơn 4 tiếng.Pin tốt nhưng MacBook 12” còn đã hơn với khả năng nâng cao thời lượng pin thông qua các cục pin di động hay dùng để sạc điện thoại của chúng ta. Thử nghiệm cho thấy trong môi trường 20 tab Safari như ở trên, còn 5% mình xài được 17 phút nhưng nếu cắm pin di động vào thì dùng được tới 32 phút trước khi tắt máy. Mình có thử dùng rất nhiều viên pin di động khác nhau, kể cả cục sạc điện thoại và thấy MB 12” đều nhận dòng khoảng 0.24A, khá thấp. Có lẽ là MB12” lấy một phần năng lượng từ pin/sạc điện thoại/sạc máy tính bảng và một phần lấy từ pin của máy để bảo đảm hoạt động. Mình chưa rõ liệu việc dùng kết hợp kiểu này có làm hại pin hay không nhưng ít nhất trong những trường hợp cần kíp chúng ta vẫn có thể sạc cho máy tính.
Sợi cáp mình dùng để cắm thử sạc là cáp USB thường sau USB-C đi kèm Nokia N1, chưa rõ các sợi cáp khác có tác dụng lớn hơn hay không nhưng chắc chắn việc dùng đầu sạc USB C thay cho MagSafe mang lại khả năng mở rộng thời lượng sử dụng tốt hơn rất nhiều cho chúng ta, nhất là khi MagSafe là độc quyền của Apple và họ không cho các hãng khác đụng vào.
Về nhiệt độ, dù chạy nặng tới đâu thì máy vẫn rất mát, khu vực duy nhất nóng là phía bản lề, ngay trung tâm máy. Nó cũng chỉ hơi ấm hơi chứ không đến mức nóng như MBP Retina khi hoạt động hết công suất. Có thể nói Intel Core M với thiết kế không quạt và cách bố trí thông minh, bo mạch chủ nằm sát bản lề của Apple đóng góp một phần rất lớn vào việc này.
Cổng kết nối:
Một ngày mình phải sạc điện thoại 2 lần, và khi dùng MacBook 12” thì lúc nào cũng phải mang theo cục pin di động. Khi xài các máy tính khác, mình chỉ cần mang sợi cáp USB là được nhưng với MB 12” thì chúng ta buộc phải bổ sung thêm một adapter nữa nếu muốn đồng bộ hoặc sạc pin cho điện thoại, và nếu mua adapter chuyển đổi rẻ nhất (USB C sang USB thường) của Apple thì bạn buộc phải tháo sạc ra, chỉ có mua adapter mắc tiền hơn hoặc từ các nhà sản xuất bên thứ 3 thì mới có thể vừa chép dữ liệu/vừa sạc cho điện thoại vừa sạc cho máy tính.Lúc đầu mình cũng nghĩ làm thanh niên sống ảo không cần cắm USB nhiều thì việc không cần xài adapter sang USB cũng chấp nhận được nhưng càng xài càng thấy bất tiện. Đôi khi có việc gấp cần chép hình vào máy tính cũng cần phải nhờ bạn chép rồi gửi AirDrop qua Hay đôi khi điện thoại hết pin, với máy tính Mac cũ chỉ việc cắm USB vô, gập lại cất vào balo và cắm vào điện thoại là được. Với MacBook 12” thì đó chỉ là một ước mơ xa vời, ít nhất cho đến khi có cổng USB-C sang Lightning hoặc USB-C sang microUSB.
Dù không có USB có thể tạm chấp nhận nhưng rõ ràng việc MacBook chỉ có một cổng USB C là điểm rất bất hợp lý. Việc bắt người dùng phải mua thêm sợi cáp USB mắc tiền để vừa kết nối vừa sạc là điều không nên chút nào, nhất là khi chỉ có một cổng USB C như vậy. Do là chuẩn mới nên các thiết bị USB C còn khá mắc, bạn sẽ phải chờ 1-2 năm nữa để chúng phủ khắp thị trường.
Kết luận:
Khi nói về MacBook 12”, người ta luôn nói về MacBook Air, chiếc máy tính không phù hợp với hầu hết mọi người khi mới ra mắt nhưng dần chuyển hóa thành một cái gì đó tiêu chuẩn cho thế hệ Ultrabook sau đó. MacBook cũng vậy, nó đỡ kén người dùng hơn hẳn nhưng bản chất vẫn là một thiết bị tiên phong mang tính định hướng cho toàn bộ dải sản phẩm máy tính của Apple.
Tất nhiên, nếu bạn cần tìm một chiếc máy tính thật sự, siêu mỏng, siêu nhẹ và mang tính di động cao, đồng thời có khả năng mở rộng thời gian sử dụng và sạc thật sự linh hoạt thì gần như không có một sản phẩm nào trên thị trường có thể mang lại trải nghiệm tương tự MacBook 12”. Nó quá đẹp, quá thời trang, sang chảnh, màn hình xuất sắc và bàn phím có độ chính xác cao, không gây khó chịu khi dùng, điều hiếm thấy ở các máy tính mỏng như vậy. Như mọi lần, mức giá của máy tính Apple không dành cho tất cả mọi người, ước gì họ tặng thêm adapter chuyển đổi...
Ưu điểm:
- Thiết kế, siêu mỏng, siêu nhẹ
- Màn hình xuất sắc, ít chói
- Pin tốt
- Hiệu năng đủ dùng với hầu hết khách hàng
- Bàn phím tốt đáng ngạc nhiên
- USB-C
- Chỉ có một cổng kết nối
- Không có đầu chuyển USB-C sang USB thường trong hộp
- Tỷ lệ sử dụng màn hình thực tế không cao
- Webcam 480p
- Touchpad không hỗ trợ 3 ngón
0 nhận xét:
Đăng nhận xét